Vũ trụ quan Giáo_lý_Cao_Đài

Thuyết Vô Cực, Thái Cực, Âm Dương

Giáo lý Cao Đài cho rằng vũ trụ nguyên sơ là không gian Vô Cực. Từ bản thể Vô Cực phát sinh một nguyên lý và một nguyên khí ngưng kết với nhau thành một khối tinh quang. Khối ấy nổ tung ra làm phát sinh Thái Cực Đại Linh Quang: "Thái Cực lấy cơ thể âm dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Khí Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật" (Đại Thừa Chân Giáo-Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh, 1950, tr.176)

Đó là cơ sinh hóa, tiếp theo là cơ tiến hóa của vạn vật, vì vạn vật thọ bẩm bản thể Linh Quang sẽ tiến hóa trở về hiệp với Đại Linh Quang theo quy luật "nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản".

Từ vũ trụ quan này, Giáo lý Cao Đài nêu lên Nguyên lý tương quan giữa Đại linh quang và Tiểu linh quang để từ đó triển khai giáo thuyết hoàn thiện con người cả hai mặt: đời sống nhân sinh và tiến hóa tâm linh.

Tương quan giữa Đại Linh Quang và Tiểu Linh Quang

Theo giáo lý Cao Đài, vạn vật phát sinh từ Thái Cực. Thái Cực là Đại Linh Quang theo nghĩa bản thể đồng thời là bản căn của vạn vật. Còn trong ý nghĩa tâm linh, đó là khối Đại Nguyên Thần của toàn cả vũ trụ. Mỗi con người đều thọ bẩm một điểm Tiểu Linh Quang có cùng bản tính, bản chất với Đại Linh Quang, nên còn gọi là điểm nguyên thần chiết xuất từ Đại Linh Quang.

Tu luyện là cách con người tự vẹt tan màn vô minh bao phủ để làm sáng tỏ điểm nguyên thần ấy. Nhờ đó, khi thoát xác, Tiểu Linh Quang sẽ hội nhập trở lại cùng Đại Linh Quang tức Thượng đế Chí Tôn.

Theo Cao Đài, trong chu trình tiến hóa của vũ trụ, vạn vật tiến hóa dần dần lên đến hàng nhân loại mới có đủ tam hồn là sanh hồn, giác hồn và linh hồn để tu luyện giải thoát.

Lý Âm Dương

Biểu tượng Âm-Dương hay Thái Cực trong Đạo Lão

Biểu tượng Âm-Dương hay Thái Cực trong Đạo Lão Lý Âm Dương, hay Dịch lý, nói chung thể hiện rất rõ nét trong vũ trụ luận, giáo lý căn bản và qua các biểu tượng của đạo Cao Đài.

Âm dương và nguồn gốc vũ trụ

Đạo Cao Đài quan niệm vũ trụ có một bản thể tối sơ gọi là Vô Cực. Ngay trong bản thể ấy đã hàm tàng hai nguồn năng lực nguyên thủy của Dương và Âm là Lý và Khí. Kinh Đại thừa chơn giáo viết: "Trong Vô Cực có một cái nguyên lý Thiên nhiên tuyệt diệu tuyệt huyền, rồi lại có thểm một cái nguyên khí Tự nhiên nữa. Lý và Khí ấy tức là Âm với Dương trong buổi Hồng nguyên thời đại. Lý với Khí ấy lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lại lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối tinh quang rất đầy đủ các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ khối ấy mới nổ tung ra [...], bèn có một điểm Linh quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra [...]. Ấy là ngôi Chúa tể càn khôn vũ trụ đã biến hóa ra vậy; mà vũ trụ từ đây mới bắt đầu có ngôi Thái Cực [...]"(1)

Thái Cực là nguyên lý hay nguyên động lực thúc đẩy hai nguồn năng lực Âm Dương trong vũ trụ để sanh hóa vạn vật: "Thái Cực lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ khí Hư vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật."(2)

Vậy trước khi có Thái Cực đã có Khí – Lý là gốc của Âm Dương thuộc về tiên thiên. Còn sau khi Thái Cực hóa sanh vạn vật thì trong mỗi vật và tương đối giữa muôn loài đều tiềm ẩn hoặc bộc lộ tính chất Âm Dương. Đó là Âm Dương thuộc hậu thiên.

Dịch Hệ từ thượng có câu: "Nhất âm nhất dương chi vị Đạo." Đối với đạo Cao Đài đó là nguyên lý cơ bản để giải thích nguồn gốc và cứu cánh của chúng sanh. Sanh hóa do Đạo mà tiến hóa cũng bởi Đạo. Thánh ngôn Đức Cao Đài có dạy: "Các con đã sinh trong Đại đạo, hãy noi theo Đại đạo mà thành về cõi thượng thiên Vô Cực."(3)

Âm dương và các biểu tượng, thờ phụng và nghi lễ

Bước vào bên trong các thánh thất Cao Đài, bao giờ cũng thấy tín đồ nam bên cánh trái và nữ bên cánh phải (từ Thiên bàn ngó ra) theo quy ước "nam tả, nữ hữu", bên trái thuộc dương, bên phải thuộc âm.

Nhìn lên chính điện, thánh tượng "Thiên nhãn" uy nghiêm được thờ phía trên Thiên bàn là hình mắt trái – thuộc Dương. Thiên nhãn là biểu tượng Chân thần của Thượng đế đối ứng với biểu tượng chữ "Khí" phía trên bàn Hộ pháp, có ý nghĩa Thần Khí tương giao hay Âm (Khí) và Dương (Thần) giao hội, thuộc về yếu lý của Đạo pháp.

Dưới Thiên nhãn có đèn Thái cực đặt giữa Thiên bàn, tương ứng với hai ngọn đèn hai bên là Lưỡng nghi. Lư hương cắm năm cây nhang giữa hai đèn Lưỡng nghi tượng trưng cho Ngũ hành.

Về nghi lễ, cách chắp tay lạy cũng có ý nghĩa Âm dương. Tay trái bắt ấn Tý nắm lại là Dương, đặt vào lòng tay phải bọc ngoài là Âm, tức trong Âm có Dương. Khi cúi lạy, hai bàn tay xòe ra đặt trên mặt đất, ngón cái tay phải gác ngay ngón cái tay trái thành chữ thập tức Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Tám ngón kia xòe ra tức Tứ tượng sinh Bát quái. Đó là cách thể hiện Dịch lý của cơ sanh hóa trong trời đất.

Đặc biệt trong hàng giáo phẩm cao cấp đầu tiên của đạo Cao Đài có hai vị Đầu sư là Lê Văn Trung và Lê Văn Lịch được ban thánh danh là Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt. Nhựt nguyệt ám chỉ lý Âm dương của Đạo vậy.

Âm dương và Đạo Đức

Kinh Cao Đài còn dạy rằng sự thực hành đạo đức cũng phải theo lý Âm dương hòa hiệp, không thể chỉ tu Đạo mà không lập Đức: "Đạo đức phải đi cặp nhau. Đạo là Dương, Đức là Âm. Âm dương phải tương cảm tương ứng, điều hòa mới thành đặng. Con người phải biết đường thiên lý, lo tu hành quày bước trở lại chỗ bổn nguyên, mượn pháp đạo mà luyện tánh tu tâm, dùng đức cả sửa mình nên hạnh tốt."(4)

Con người có thể học lý Âm dương sanh hóa của trời đất để sinh tồn, phát triển và tiến hóa bằng cách điều hòa được hai nguồn năng lực tương phản tương đối:

"Khí Âm dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm mà hóa hóa sanh sanh là do trong chỗ điều hòa, tương ứng, tương cảm, huân chưng đầm ấm mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ thiên hình vạn trạng... không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật."(5)

Một tức Thái cực, hai tức Âm dương (Lưỡng nghi), ba tức nguồn năng lực thứ ba do Âm dương tương tác hỗn hiệp mà phát sinh.

Nên kinh viết tiếp: "Vậy thì cái sự sinh đó cũng do nơi hòa mà có. Thế nên Đạo của trời đất cũng bất ngoại hai chữ Trung hòa."(6)

Mà Trung hòa cũng là đạo làm nên thánh hiền. Sách Trung dung viết: "Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hòa là sự đạt đạo của thiên hạ."

Đạo Cao Đài đã vận dụng lý Âm dương rất sâu sắc trong sự lập đạo, hành đạo, thực hành đạo pháp:

Âm dương hòa hiệp hóa sanhDựng nền đạo đức, lập thành càn khôn.(7)